Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

KHÓC DƯƠNG KHUÊ











Bác dương thôi đã, thôi rồi


Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.


Nhớ từ thuở đăng khoa (1) ngày trước,


Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;


Kính yêu từ trước đến sau,


Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?


Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,


Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;


Có khi tầng gác cheo leo,


Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;


Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,


Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,


Có khi bàn soạn câu văn,


Biết bao đông bích, điển phần (2) trước sau,






Buổi dương cửu (3) cùng nhau hoạn nạn,


Phận đẩu thăng (4) chẳng dám tham trời;


Bác già, tôi cũng già rồi,


Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!


Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,


Trước ba năm gặp bác một lần;


Cầm tay hỏi hết xa gần,


Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,


Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,


Tôi lại đau trước bác mấy ngày;


Làm sao bác vội về ngay,


Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.


Ai chẳng biết chán đời là phải,


Vội vàng sao đã mải lên tiên;


Rượu ngon không có bạn hiền,


Không mua không phải không tiền không mua.


Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,


Viết đưa ai, ai biết mà đưa;


Giường kia treo (5) cũng hững hờ,


Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn (6).


Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,


Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;


Tuổi già hạt lệ như sương,


Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!






(Tác giả tự dịch bài "Văn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư").






-------------------






1.Đăng khoa: đi thi đỗ.


2. Đông bích điển phần: đọc sách, tra cứu.


3. Buổi dương cửu: ý nói thời gian nan.


4. Đẩu thăng: cái đấu, cái thăng, đơn vị đo lường ngày xưa. Câu này ý nói: trước cảnh đời đổi thay phải từ quan về, nhà thơ không dám tham công danh bổng lộc nữa.


5. Giường treo: Trần Phồn đời Hậu Hán, dành riêng cho bạn thân một cái giường khi bạn đến thì mời ngồi, lúc bạn về thì treo lên.


6. Câu này nhắc lại tích Bá Nha và Trung Tử Kì, hai bạn tri âm. Khi Chung Tử Kì mất thì Bá Nha đập nát cây đàn không gảy nữa.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét